DUY TRÌ TIẾNG VIỆT TRONG GIA ĐÌNH
Yến Tuyết
Trước hết, tôi xin nhân dịp này để bày tỏ lòng ngưỡng mộ sự hy sinh của các cô thầy giáo trong nỗ lực góp phần dìu dắt thế hệ trẻ lớn lên ở hải ngoại tiếp tục yêu mến và sử dụng tiếng Việt.
Chính sự có mặt của quí vị trong các lớp dạy Việt Ngữ đã chứng tỏ là trong tương lai, cho dù ở xa nơi quê cha, đất tổ hàng ngàn dặm đường, chúng ta sẽ vẫn còn được nghe thứ ngôn ngữ mà “ mẹ hiền đã ru ta từ lúc nằm nôi” đó vang lên ở mọi nơi.
Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, các cô thầy giáo có mặt hôm nay, sẽ đồng ý khi tôi nói đề tài “Duy Trì Tiếng Việt Trong Gia đình” mà tôi được Ban Tổ Chức của Khóa Huấn Luyện Sư Phạm đề nghị thuyết trình hôm nay là một đề tài quá rộng lớn.
Thật vậy, rộng lớn vì việc Duy Trì tiếng Việt trong gia đình đòi hỏi việc đóng góp ý kiến, việc vận động, sự thảo luận nghĩa là cần có sự tham dự của mọi người, của nhiều cá nhẫn, hay hội đòan trong cộng đồng và quan trọng nhất là của phụ huynh trong từng gia đình.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự duy trì Việt Ngữ phải bắt đầu từ phía phụ huynh có con em theo học các lớp Việt Ngữ. Quí vị, các thầy cô giáo dĩ nhiên là những người đang thực hiện việc gìn giữ tiếng Việt, thế nhưng, với thời gian dạy Việt ngữ hạn hẹp, 2, 3 tiếng đồng hồ một tuần dù với nhiệt tâm đi nữa, vẫn không thể phát triển việc học tiếng Việt một cách tốt đẹp và có kết quả được nếu không được phụ huynh hỗ trợ và hợp tác.
Hôm nay, tôi sẽ đưa ra những ghi nhận và đề nghị của mình trong việc duy trì tiếng Việt , nhưng dĩ nhiên đây cũng chỉ là ý kiến và những đề nghị có tính cách khách quan và cá nhân. Do đó, tôi rất mong buổi gặp gỡ giữa chúng ta sẽ trở thành một buổi trao đổi những mơ ước và dự tính, học hỏi lẫn nhau để mong tìm một vài phương cách để duy trì tiếng Việt trong gia đình mà chúng ta sẽ cùng nhau theo đuổi, sẽ thực hiện, chứ không phải chỉ là những lý thuyết được đưa ra trong một buổi thuyết trình thường lệ.
I- Vai trò của tiếng Việt trong cộng đồng VN
Trước hết chúng ta hãy cùng nhau để nhận xét về vai trò của tiếng Việt trong công đồng Việt Nam tại hải ngoại. Và dĩ nhiên đấy chỉ là những ghi nhận có tính cách tổng quát mà thôi.
Theo thống kê tôi mới đọc được từ tự điển Wikipedia dân số của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại sau những đợt tị nạn và di dân trong khoảng thời gian 33 năm đã tăng trưởng đến 3 triệu người. Trong đó, tiếng Việt đang được khoảng hơn 1 triệu nguời Việt nam sống trên thế giới sử dụng.
Mặc dù phải bươn chải kiếm sống trong thời gian đầu tiên mới hội nhập vào một đất nước mới và phải làm quen với bao khó khăn về phong tục, tập quán và ngôn ngữ khác biệt, chúng ta phải ghi nhận là thế hệ thứ nhất đã cố gắng duy trì tiếng Việt trong gia đình với khả năng và thời gian hạn hẹp của họ . Đã có nhiều đứa trẻ khi bước chân đến Mỹ mới có 7, 8 tuổi và bây giờ đã trở thành những người trung niên mà vẫn còn nói trôi chảy Việt ngữ. Tôi chỉ nhấn mạnh đến việc họ có thể nói tiếng Việt chứ chưa đề cập đến vấn đề viết vì chỉ có một số ít biết nói mà không biết viết tiếng Việt. Và tôi cho đó cũng là một điểm son rồi.
Dĩ nhiên đó là nhờ công lao của ông bà, cha mẹ sống chung trong cùng một nhà, đã giúp các em gìn giữ được tiếng Việt khi khuyến khích, hay bắt buộc các em phải dùng Việt ngữ trong phạm vi gia đình và có một số ít có thể nói và viết được tiếng Việt . Tôi có dịp tiếp xúc với những em trong thế hệ thứ hai bây giờ là những người trưởng thành. Họ rất hãnh diện và tỏ lòng biết ơn cha mẹ vì đã dạy cho họ học tiếng Việt từ khi còn nhỏ.
Thời gian đầu tiên này sự đóng góp của cộng đồng vào việc gìn giữ tiếng Việt chưa được đẩy mạnh vì ai nấy vẫn còn lo toan chuyện cơm áo, học vấn, nghề nghiệp. Để đáp ứng sự khao khát của thế hệ thứ nhất về tin tức thời sự được viết bằng chữ Việt, chúng ta ghi nhận sự ra đời của một số báo chí Việt Ngữ nhưng cũng để phục vụ cho thế hệ thứ nhất mà thôi.
Sau khoảng 10 năm sinh sống tại hải ngoại, mà Cali là nơi có dân số người Việt Nam sinh sống ngày một tăng trưởng nhanh chóng nhất, các bậc cha mẹ bắt đầu trải qua kinh nghiệm về việc con cái mình lớn lên và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương nhiều hơn là văn hóa Việt Nam. Trong gia đình, việc sử dụng tiếng Việt cũng dần dần thưa vắng. Đã có những khác biệt xảy ra vì bất đồng ngôn ngữ, vì sự xung đột văn hóa khi thế hệ thứ hai bị giằng co giữa hai ảnh hưởng: Văn hóa và phong tục Việt Nam mà họ phải tuân theo trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình, và văn hóa và suy nghĩ của Hoa Kỳ trong xã hội rộng lớn mà họ sinh hoạt.
Từ những kinh nghiệm bản thân, những người có tâm huyết thuộc thế hệ thứ nhất đã nhìn thấy nhu cầu gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam, họ muốn con cháu của mình cho dù trở thành công dân Hoa Kỳ đi nữa cũng cần nhớ đến cội nguồn, và điều trước tiên là những người thuộc thế hệ thứ hai phải biết viết và nói tiếng Việt và yêu mến thứ tiếng này. Gia đình lúc này thấy cần đến sự góp sức của cộng đồng và xã hội. Và vì lý do đó những trường dạy Việt Ngữ ra đời.
Với sự đóng góp công sức, lòng hy sinh, sự thiết tha gìn giữ tiếng Việt của nhiều cá nhân mà trong đó các anh chị em là một thành phần quan trọng, từ những bước phôi thai, ngày nay, chúng ta đã có hàng chục trung tâm Việt Ngữ , một Ban Đại diện các Trung Tâm Việt Ngữ đang hoạt động mạnh mẽ với sĩ số học sinh lên đến hàng ngàn em. Có những em cựu học sinh nay đã trở thành lớp cha mẹ trẻ, có con đủ tuổi để gởi đến trường học Việt ngữ mà họ đã từng theo học.
II- Vai trò của Cha Mẹ và Ông Bà
Cho dù có trường lớp dạy tiếng Việt để giúp trẻ em học tiếng Việt đi nữa, thời gian ngắn ngủi của 2 tiếng đồng hồ mỗi tuần không thể giúp tiếng Việt của trẻ em tiến bộ nếu không có sự đóng góp tích cực của cha mẹ, của gia đình các em.
Phần này dĩ nhiên là nhắm đến cha mẹ và ông bà của các học sinh hơn là cô thầy giáo nhưng tôi cũng trình bày để mình có những hiểu biết chung và hy vọng các cô thầy sẽ bằng cách thức riêng của mình để nhắc nhở và kêu gọi sự hợp tác của phụ huynh.
1/ Cha Mẹ
Có lẽ các anh chị em đều đồng ý với tôi là đời sống ở Hoa Kỳ là một đời sống bận rộn. Không chỉ bận rộn vì đi làm việc mà bận rộn vì đủ mọi sinh hoạt khác do nhu cầu xã hội đem lại và do sự phát triển kinh tế, kỹ thuật, giải trí tạo nên…. Một sự thật không thể chối cãi được là những cha mẹ trẻ ngày nay phần lớn không có thì giờ nhiều dành cho con cái.
Ngay chính họ, dù biết Việt ngữ đi nữa cũng phải sử dụng Anh ngữ ở nơi làm việc và ngoài xã hội. Do đó, khi trở về nhà, thói quen dùng Anh ngữ, hay dùng một loại ngôn ngữ pha trộn Anh–Việt để nói chuyện trong gia đình là một điều không tránh khỏi.
Tôi đề nghị khi họp với phụ huynh, các cô thầy nên nhắc nhở họ về sự cần thiết của họ là làm gương cho con mình bằng cách nói tiếng Việt với nhau trước mặt con và khuyến khích chúng nói tiếng Việt khi ở nhà với ông bà, cha mẹ, dì cậu.
Các cô thầy nên khuyên phụ huynh mua sách tiếng Việt và kiên nhẫn đọc sách với con. Họ nên mua băng nhạc tiếng Việt cho con nghe vì âm nhạc làm cho trẻ vui thích và là một phương cách hữu hiệu để giúp con làm quen với tiếng Việt.
Có nhiều phụ huynh có thể tiêu tiền về những thứ xa xỉ khác hay mua games đắt tiền nhưng khi mua sách vở cho con đọc thì lại có thể đắn đo.
Phụ huynh luôn luôn khen ngợi con khi chúng cố gắng nói tiếng Việt chứ đừng nên chế nhạo chúng khi chúng phát âm không đúng vì điều này chỉ làm cho trẻ mắc cỡ và nản chí.
2/ Ông Bà
Thật là may mắn cho những đứa trẻ có ông bà ở chung nhà hay được ông bà coi sóc dùm vì phần đông sẽ nói tiếng Việt rành rẽ hơn. Tuy nhiên một gia đình gồm ba thế hệ ở chung nhà thường cũng có những khác biệt về phương pháp dạy dỗ con hay cháu. Tốt hơn hết là ông bà biết được vị trí của mình và chú ý đến việc giúp con, cháu trong phạm vi duy trì tiếng Việt mà thôi.
III Vai trò của cô, thầy giáo
Tôi biết rằng với nhiệt tâm giúp duy trì tiếng Việt, các thầy cô giáo như quí vị đã hy sinh rất nhiều thì giờ và tâm huyết của mình.
Tôi xin có một vài đề nghị sau đây mà quí vị có thể đem về áp dụng trong lớp dạy Việt ngữ hay Trung Tâm của mình và nhiều khi còn có những sáng kiến khác hay ho hơn nữa:
1/Luôn luôn nâng đỡ và khuyến khích. Bằng cách tạo lớp học là nơi học mà chơi, chơi mà học. Tìm hiểu và áp dụng phương pháp sư phạm mẫu giáo của Mỹ là giáo dục dưới hình thức trò chơi.
a.Thí dụ như mỗi tháng sẽ chọn đề tài để dạy ngữ vựng cho các em: Tháng Giêng chọn đề tài ăn uống, thức ăn. Sau khi dạy các ngữ vựng như : Ăn, uống, phở, cơm, bún, thịt bò ,thịt heo, thịt gà… thì tùy trình độ học sinh mà cho các em làm một cái thực đơn với giá tiền rồi cho các em thực tập dưới hình thức một vở kịch ngắn với hoạt cảnh người khách vào tiệm và muốn gọi món ăn.
b. Tháng hai dạy những ngữ vựng về y phục thì cho các em đem theo một loại áo hay quần để trắc nghiệm ngữ vựng đã học từ tuần trước.
c. Dạy bài hát ngắn và giản dị: “ Kìa con bướm vàng. Trông kìa con voi”. “Nếu hỏi rằng em yêu ai?…. Dạy múa. Các cô thầy có thể trao đổi bài hát với nhau trong buổi tu nghiệp này. Hay liên lạc với nhau sau đó bằng email.
d. Phối hợp với phụ huynh để có những buổi biểu diễn tài nghệ bằng cách hát hay múa bài tiếng Việt trong lớp.
e.. Các cô thầy cần giữ sự liên hệ chặt chẽ với phụ huynh và theo dõi kết quả của học sinh , cũng như kêu gọi sự tiếp tay của họ.
Nhắc nhở họ là các em học tiếng Việt có kết quả nếu phụ huynh giúp các em thực tập tiếng Việt ở nhà
2/ Sử dụng những câu ca dao, tục ngữ: “chị ngã, em nâng”, “ “công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để dạy các em yêu thương gia đình. Như hồi chúng ta còn nhỏ, cũng đã được học những bài công dân, đức dục bằng cách đó.
Nói tóm lại, việc duy trì tiếng Việt trong gia đình phải bắt nguồn từ gia đình, các trung tâm Việt Ngữ chỉ là nơi giúp các em học về căn bản của tiếng Việt qua việc trau dồi ngữ vựng, dùng văn phạm chính xác.
Bên cạnh sự lớn mạnh và phát triển của các Trung tâm Việt Ngữ, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể thành lập một hay nhiều thư viện cho mượn dụng cụ, học liệu liên quan đến việc giảng dạy Việt Ngữ để phụ huynh có thể mượn hay thuê mướn đem về nhà giúp họ trong việc dạy con em sử dụng Việt ngữ nữa thì kết quả có thể tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, các Trung tâm Việt ngữ cũng cần kêu gọi sự tiếp tay của giới truyền thông để phổ biến những bài báo, những phóng sự về sinh hoạt của các trung tâm Việt ngữ. Phỏng vấn thầy cô, học sinh phụ huynh để cho thấy những thí dụ thiết thực của việc học Việt ngữ. Nhờ đó, cộng đồng ý thức hơn về việc duy trì Tiếng Việt ở trong gia đình nói riêng và ở hải ngoại nói chung.
Tôi xin chấm dứt phần trình bày này khi đưa ra tên của một cuốn sách do Thượng nghị sĩ Hillary Clinton viết : “Để dạy dỗ một đứa trẻ nên người, chúng ta cần sự góp sức của một làng- hay cả một cộng đồng”. (It takes a village to raise a child) để thấy rằng việc duy trì Việt ngữ cần có sự đóng góp của mọi người trong cộng đồng gồm có phụ huynh, các cô thầy giáo, hội đoàn, báo chí và những cá nhân còn yêu mến tiếng Việt.
(YT) |