TRÁCH NHIỆM NÀO CỦA RIÊNG AI
Tiến Sĩ Nguyễn Viết Kim, Cơ quan NASA

Khoảng hơn 10 năm về trước , lúc kỹ nghệ điện toán và thông tin (information technology) bùng lên , Hoa Kỳ phải "nhập cảng" ào ạt những chuyên viên về ngành này từ Á Châu nhất là từ Ấn Độ và Trung Hoa . Lúc đó Đại Hàn (Korea) và Đài Loan (Taiwan) đã có một số hãng xưởng nội địa và tại Mỹ cùng nhiều nước khác , do đó những chuyên viên từ 2 quốc gia này tốt nghiệp tại Mỹ không còn dư nhiều cho kỹ nghệ Hoa Kỳ .

Có nhiều vấn đề xã hội :

- brain drain (sự mất chất xám) của các quốc gia đó . Thật ra trong chiến lược lâu dài , sau một thời gian khi 2 quốc gia Ấn Độ và Trung Hoa có thực lực tài chánh và kinh tế vững mạnh thì sẽ có phản ứng ngược lại (reverse impact) . Các chuyên viên này sẽ làm việc cho các công ty cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu (global economy) .

- các nhân viên người Mỹ bị sa thải sẽ không được chú trọng đến các chương trình tái huấn nghệ (re-training) vì tốn kém hơn so với việc dùng những nhân viên đến từ ngoại quốc . Đây là một sự bất công vì các người này đã đóng thuế , có gia đình tùy thuộc vào đồng lương , nay không có cơ hội thứ hai , đa số chưa tới tuổi hồi hưu .

- các đại học sẽ mất đi một nguồn tài trợ lớn lao để huấn luyện thêm các chuyên viên cần yếu và các ngân quỹ nghiên cứu vì các hãng xưởng không phải đầu tư thêm vào đại học .

Cùng với một số đồng nghiệp chúng tôi ngồi lại trong Diversity Council và nghiên cứu những mô thức hoạt động của những nước kỹ nghệ khác và đồng ý là có thể áp dụng mô thức của Đức Quốc với sự hòa hợp giữa giáo dục , chính phủ , giới công thương kỹ nghệ để hướng dẫn hữu hiệu các học sinh ngay từ lúc còn ở bậc tiểu học

Nếu khuyến khích các em chọn nghề song song với học trình phổ thông , khi lên Trung Học (Senior High School) thì sẽ bị mang tiếng là kỳ thị , vì có thể đa số các em này thuộc thành phần gia đình có lợi tức thấp , thành ra phải đổi lại (modify) mô thức một chút và chúng tôi đồng ý :

- đi nói chuyện tại các "career day" ở các trường Tiểu Học .
- làm giám khảo tại các "science fair" ở các trường Trung Học .
- nhận giúp đỡ (mentoring) các dự án khoa học (scientific project) của học sinh .

Hai điều căn bản khi bắt đầu Tiểu Học là Toán Học và Anh Văn .

- Toán Học (mathematics) không phải chỉ là những con số như mọi người nghĩ , còn tập cho học sinh có óc luận lý (logic) , phỏng đoán (estimation) , quan sát (observation) .
- Anh Văn (english) không phải chỉ là biết đọc , biết viết mà thêm vào với sự luận lý biết cách trình bày vấn đề ngắn gọn , khúc triết , hữu hiệu (communication) .
Khi đi nói chuyện , vào phần cho các em hỏi (question and answer session) , tôi để ý đến sự kỷ luật của các em gốc Á Châu qua sự giơ tay , chờ đợi và hỏi một cách lễ phép . Sự Lễ Độ là một điểm quan trọng của Văn Hóa Á Đông , sẽ làm các em chiếm được cảm tình và có kỷ luật để tiến mau trong chuyên môn và đường đời .

Chúng tôi tổ chức các buổi du ngoạn để các em viếng thăm viện bảo tàng , nhiều khi là một tòa nhà được thiết kế có tác dụng giải trí , trưng bày rất mỹ thuật và dung hòa với kỹ thuật để hấp dẫn người tới xem . Các công ty có dụng cụ hay sản phẩm trưng bày bảo trợ ẩm thực và tặng các đồ vật lưu niệm .

Nếu mô hình Đức Quốc là huấn nghệ ngay từ Trung Học và vẫn tiếp tục văn hóa để các em có một nghề nghiệp sớm song vẫn có thể theo học cao hơn ở Đại Học sau này (học phí Đại Học ở Đức Quốc ít tốn kém và là công lập do chính phủ tài trợ) , thì ở môi trường Hoa Kỳ , chúng ta phải thích hợp với hoàn cảnh là khuyến khích , hổ trợ , chỉ dẫn các em trau dồi khả năng Toán Học và Ngôn Ngữ ngay từ lúc còn ở Tiểu Học , chuẩn bị khả năng để có sự chọn lựa chuyên môn thích hợp về sau .

Các em hiểu thêm về các đòi hỏi của nghề nghiệp chuyên môn và cách hay nhất để chuẩn bị là cố gắng học hành chăm chỉ , để ý đến toán học , khoa học , sinh ngữ , sự lễ độ .....đó là chìa khóa để mở mọi cánh cửa đưa đến những nghề nghiệp chuyên môn hợp với sở thích và khả năng .

Khi mọi phụ huynh cùng cộng tác với trường học , để có thể thăm viếng nơi làm việc, thì các em sẽ có cơ hội tìm hiểu tại chỗ về các ngành nghề của tương lai , nhất là những ngành nghề cần thiết để cho Hoa Kỳ có thể giữ vững được ưu thế về kỹ thuật và kinh tế , những điều kiện tạo ra những việc làm đòi hỏi khả năng cao và do đó có một lợi tức dồi dào .

Các em học sinh có dịp gặp gỡ những người đang ở trong những ngành nghề (role model) để hỏi và hiểu là với sự cố gắng chăm chỉ , kiên tâm chì trí thì các em có thể đạt được mộng ước .

Điều này sẽ giúp ích cho mọi người , từ học sinh đến phụ huynh và kỹ nghệ . Tóm lại là sẽ hữu ích cho mọi người trong xã hội .