KHÓA TU NGHIỆP VÀ HUẤN LUYỆN SƯ PHẠM 2009
Nguyễn Vỹ Diên Linh
Khóa Tu nghiệp và Huấn Luyện Sư Phạm (TN & HLSP) vừa chấm dứt, ba ngày qua đi thật nhanh, nhưng không quá nhanh để vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi bao điều yêu dấu. Tôi đã được nghe một số thầy cô ở trường tôi nói về khóa học này rất nhiều: “Hay lắm! Cần phải đi, không chỉ một mà nhiều lần nữa”. Năm nay tôi quyết định gác lại tất cả những lo toan trong cuộc sống thường ngày để “cắp sách đến trường.”
Thật vậy, chiều thứ sáu, sau khi đi làm về, chuẩn bị một ít hành trang - tôi lên đường. Trường chúng tôi năm nay có bốn cô giáo ghi danh và đều là lần đầu tiên đi dự khóa học này. Năm nay khóa học được tổ chức ở trường đại học Coastline Community College, một địa điểm vừa mới vừa gần Trung Tâm Sài Gòn nhỏ rất khang trang, sạch sẽ và thuận lợi trong việc đi lại.
Bước vào sân trường để ghi danh cho khóa học tôi đã nghe rộn rã bao câu chào hỏi vui tươi và thân ái. Tôi có cảm giác mình trẻ lại rất nhiều mà hồi tưởng đến những ngày tháng cắp sách đến trường xưa. Đúng 7 giờ tối nghi thức khai mạc thật long trọng, lời giới thiệu quý vị quan khách, nghi thức dâng hương trước bàn thờ tổ quốc thật trang nghiêm, lời giới thiệu ban tổ chức và tuyên bố khóa học chính thức khai mạc với chủ đề “Lòng Yêu Nước Qua Văn Chương Truyền Khẩu.” Khóa học quy tụ khoảng 250 các thầy cô khắp nơi kéo về, từ những bạn còn rất trẻ đến những thầy cô đã có tuổi, tất cả đều cùng một ý hướng trong công việc dạy tiếng Việt nơi đất khách quê người. Chúng tôi được chia ra thành nhiều nhóm khác nhau mang tên những thành phố đặc trưng của Việt Nam như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ .v.v. Đã gần mười giờ tối rồi mà các thầy cô vẫn còn quấn quýt, vừa thưởng thức tô cháo nóng hổi với hương hành thơm ngát vừa bàn thảo tiết mục văn nghệ sẽ trình diễn cho đêm thứ bảy ở nhà hàng. Tôi ra về vào đêm thứ sáu với lòng lâng lâng thật khó tả.
Khóa học ba ngày có tất cả hai mươi ba (23) lớp học, tôi tham dự trọn ba ngày nhưng chỉ học được có tám (8) lớp vì có rất nhiều lớp trùng giờ. Thứ bảy lớp học được bắt đầu vào lúc 7:45 sáng. Ban giảng huấn gồm có các vị giáo sư gạo cội trong ngành giáo dục hay nhà giáo Việt Nam trước năm 1975 và những vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật sư hiện đang giữ những vai trò quan trọng trong ngành giáo dục và xã hội Hoa Kỳ. Các vị ấy chuẩn bị rất chu đáo cho đề tài họ giảng dạy hay thảo luận. Tôi xin phép để được không chia sẻ nội dung của các lớp học, mong rằng một chút bí mật này sẽ gợi lên được lòng tò mò của quý thầy cô chưa từng dự khóa đến ghi danh tham dự cho những năm kế tiếp. Bốn cô giáo của trường chúng tôi đều có những lớp học khác nhau nhưng khi ngồi lại chia sẻ, chúng tôi đều công nhận một điều duy nhất là “Hay lắm!”
Buổi trưa, chúng tôi vừa ăn trưa vừa được thưởng thức chương trình văn nghệ do các em đoàn Văn nghệ Lạc Hồng trình diễn. Nhìn các em nhỏ với nét mặt tươi sáng mặc những chiếc áo dài, áo tứ thân, áo bà ba làm lòng tôi nao nao nỗi nhớ quê nhà da diết.
Buổi tối thứ bảy, chúng tôi được dịp dự một buổi tiệc ở nhà hàng Diamond Palace và thưởng thức những tiết mục văn nghệ do các nhóm thầy cô được chia ra từng nhóm để trình diễn. Chúng tôi có rất ít thì giờ lúc ăn trưa, lúc giải lao, vậy mà những tiết mục ca-múa-nhạc- kịch đều có cả , mọi người cùng góp công sức để tạo nên một không khí thật thân mật, đầm ấm, vui nhộn. Một buổi tối còn ý nghĩa hơn nữa khi đèn nhà hàng được tắt đi để dành cho những ngọn nến trên mỗi bàn ăn được thắp sáng, những chia sẻ chân tình của quý thầy cô, quý vị quan khách được cất lên với những nỗi niềm về quê hương, về việc bảo tồn văn hóa và tiếng Việt. Rời nhà hàng về đến nhà là 10:30 tối nhưng tôi không thể nào chợp mắt được cho đến quá 12 giờ khuya, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, hình ảnh quê hương thân yêu, những ngày cắp sách đến trường, những khuôn mặt thầy cô giáo và bạn bè thân thương chợt ẩn chợt hiện…
Các lớp tôi đã học không những ôn lại cho tôi những kiến thức cần có khi dạy tiếng Việt mà còn trau dồi cho tôi những điều hay điều mới cần phải biết, và tôi biết tôi cần phải học hỏi nhiều lắm lắm. Tôi chưa có dịp để chụp chung một tấm hình nào với các vị giáo sư, với các thầy cô trong ban tổ chức, tôi gác lại… để rồi có dịp đứng xa xa mà “quan sát” niềm vui trò chuyện cùng khóa sinh của quý thầy cô. Thầy Khoa đĩnh đạc trong phong cách và nụ cười, thầy Hoàng đứng chuyền thức ăn cho quý thầy cô, thầy bảo rằng thầy không được trời phú cho khoa ăn nói, nhưng tôi nghiệm ra rằng: hình ảnh phục vụ tận tình của thầy cùng với nét cười đơn sơ, chân tình lúc sinh họat chung, lúc kể chuyện vui, kể cả những giọt nước mắt đã gói gọn trong chính con người thầy sự nhẫn nhục và yêu thương ; thầy Định chăm chỉ chụp những tấm hình thật đẹp, thầy Hiền Sĩ trong giờ giải lao đi thay bao rác; các cô lau chùi trong phòng ăn; các cô trong ban hành chánh ngồi dưới thảm để xếp những bản copy; cô Liên Hương ngồi khuất mình trong một góc phòng với chiếc máy vi tính trước mặt; các em trẻ giúp lo nước uống và thức ăn nhẹ luôn miệng mời chào; thầy Quyên Di được chia miếng dưa hấu từ một thầy giáo khác; có lúc tôi thấy thầy Khiết đứng ngây người tựa vào tường để quan sát một nhóm đang tập hát bài “Sài Gòn Đẹp Lắm”, hình như thầy đang thả hồn về “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”…và còn rất nhiều điều ghi vào ký ức tôi nữa.
Sáng chủ nhật mới thật sự có lớp học với chủ đề chính của năm nay: “Lòng Yêu Nước Qua Văn Chương Truyền Khẩu”, qua sự truyền đạt rất súc tích của giáo sư Lưu Trung Khảo và Ông Nguyễn Thanh Liêm đã tạo nên một điểm chính rất riêng cho khóa học. Chủ đề này chắc chắn đã để lại trong tâm trí mỗi thầy cô vài điều suy nghĩ? Tôi đã có lần nói: “Tôi yêu Việt Nam lắm”, Tôi phải chứng minh điều này ra sao?
Chiều chủ nhật tất cả quý thầy cô quây quần bên nhau, hát cho nhau nghe, những mẫu Chuyện vui được kể từ các thầy cô khóa sinh, rồi những lời chia sẻ cũng như góp ý cho khóa học kế tiếp được vang lên sinh động. Nếu bạn được nghe quý thầy cô trong Ban đại diện chia sẻ: “Khóa học năm nào cũng được chuẩn bị từ khá lâu, nhưng trong vòng hai tháng trước khóa học không có đêm nào mà quý thầy cô trong Ban đại diện đi ngủ trước một giờ sáng.” Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã nói lên tất cả sự hy sinh và thao thức cho việc gìn giữ tiếng Việt như thế nào! Lời cám ơn nào nói lên cho hết đây!!
Khóa học đã kết thúc tốt đẹp và đã dệt nên một bản “Tình Ca Quê Hương” đậm đà với muôn cung bậc trầm bổng, du dương; khi thì vui nhộn với những tiếng cười rộn rã; khi thì sâu lắng với những chia sẻ ngậm ngùi về tình hình đất nước hiện nay; lúc thì dũng mãnh như có một sức lực thần tiên khơi dậy trong tâm hồn mỗi chúng ta về cội nguồn, về lịch sử oai hùng của dân tộc, về hình hài con rồng cháu tiên…để rồi mỗi người khi rời khóa học như được tiếp thêm sức mạnh, được chắp cánh ước mơ bảo tồn văn hóa giống nòi và gìn giữ tiếng Việt mến yêu.
Em bảo đảm với thầy Trí là năm sau em sẽ ghi danh cho khóa HL & TNSP kỳ 22 - Hè 2010. Cầu chúc quý Ban đại diện các trung tâm Vịệt ngữ, tất cả quý thầy cô được an lành, và dồi dào sức khỏe. Hẹn gặp lại tất cả quý thầy cô vào hè 2010 nhé!
Lời cuối từ trái tim:
"Tôi yêu hai tiếng Việt Nam
Như yêu Cha Mẹ chăm làm-hy sinh"
California 08/2009
Nguyễn Vỹ Diên Linh
Trường Việt Ngữ CD Saddleback Valley |